Dạo gần đây, nhiều bạn trẻ kinh doanh các lĩnh vực như ăn uống, làm đẹp, thời trang… đã phải trả lại mặt bằng ngoài mặt phố do chi phí quá cao. Thay vào đó, họ chuyển sang thuê nhà trong hẻm với giá rẻ hơn để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.
Giá thuê mặt bằng chỉ có tăng chứ không giảm
Người trẻ TPHCM chuyển hướng kinh doanh sang việc thuê nhà trong hẻm giá rẻ hơn để tiết giảm chi phí. Muanha.xyz có dịp trò chuyện với nhiều bạn trẻ đang kinh doanh nhỏ lẻ và chứng kiến những câu chuyện mưu sinh không mấy dễ dàng khi chi phí mặt bằng ngày càng leo thang.
Thu nhỏ mặt bằng, tập trung bán online
Trong buổi phỏng vấn, chị N.T.L (31 tuổi, ngụ Q3, TPHCM) cho biết, trước đây chị sở hữu hai chi nhánh trà sữa nằm trên mặt tiền đường 3 Tháng 2 và Lê Văn Sỹ, với giá thuê mỗi mặt bằng hơn 18 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, nhiều tháng liền doanh thu liên tục sụt giảm khiến chị rơi vào tình cảnh phải đóng cửa. Không muốn từ bỏ đam mê cũng như e ngại ánh nhìn từ bạn bè, người thân, chị quyết định chuyển quán vào hẻm 40 Trần Quang Diệu (Q.3) để tiếp tục kinh doanh với quy mô nhỏ hơn.
“Mình tập trung bán hàng online, lượng khách tới quán cũng ít đi. Để tiết kiệm, mình đã cắt giảm nhân sự và cả bảo vệ”, chị L. chia sẻ.
Gian nan tìm mặt bằng giá rẻ
Cũng trong hành trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi gặp chị Siti Zubaidah, một người gốc Malaysia đang sống tại Q8, TPHCM.
Sau hơn một tháng miệt mài tìm kiếm, chị đã thuê được một căn nhà nhỏ trong hẻm 763B Cách Mạng Tháng 8, Q10, với diện tích tầng trệt hơn 40m², chi phí gần 8 triệu đồng/tháng để kinh doanh dịch vụ gội đầu dưỡng sinh.
Trước đó, chị từng thuê mặt bằng rộng 70m² trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q3) với giá hơn 30 triệu đồng/tháng, nhưng do khách không ổn định, chị buộc phải trả lại.
Chị Siti bộc bạch: “Chủ cũ còn bảo giá thuê chỉ có lên chứ không bao giờ giảm. Muốn tìm một chỗ trong hẻm đẹp, giá hợp lý, tôi và người thân phải đi rất nhiều nơi, thậm chí giá thuê trong hẻm sâu hay cụt cũng vẫn cao, có nơi hơn 15 triệu đồng mà diện tích chỉ khoảng 20–25m²”.
Cùng cảnh ngộ, chị Lê Ngọc Nữ (26 tuổi) chia sẻ rằng mình từng cùng bạn thuê mặt bằng trên đường Cô Bắc (Q.1), nhưng vì giá thuê ngày càng tăng nên cả hai không thể duy trì kinh doanh.
Hiện tại, chị chuyển sang thuê một ki ốt rộng khoảng 200m² tại phố đi bộ đêm Kỳ Đài Quang Trung (Q.10) để bán các loại ốc tươi, với mức giá thuê hơn 13 triệu đồng/tháng, hoạt động từ chiều đến gần 22 giờ.
Ngọc Nữ cho biết: “Việc tìm một mặt bằng giá rẻ, diện tích rộng ở thời điểm này thực sự rất khó. Chúng mình đã phải cân nhắc rất nhiều mới chọn được chỗ phù hợp”.
Xu hướng thuê nhà hẻm giá rẻ, đẩy mạnh kinh doanh online
Có thể thấy xu hướng chuyển dịch địa điểm kinh doanh từ mặt bằng lớn, đắt đỏ ngoài mặt phố vào những căn nhà trong hẻm đang ngày càng phổ biến. Không ít trường hợp dù thuê nhà kinh doanh trong hẻm với giá rẻ hơn nhưng vẫn đạt được doanh thu cao nhờ đẩy mạnh hoạt động mua bán online.
Trong buổi khảo sát thực tế, chúng tôi gặp chị Nguyễn Anh Chi (35 tuổi), chủ một cửa hàng cỏ lau khô tại TPHCM.
Trước đây, chị thuê mặt bằng mặt tiền đường Lê Quang Định với giá gần 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khách vắng, doanh thu thấp khiến chị phải trả mặt bằng.
Chị Chi sau đó chuyển về thuê nhà trong hẻm 11/10 Đỗ Phúc Thịnh, P.12, Q.Gò Vấp (giá 15 triệu đồng/tháng). Tận dụng không gian rộng rãi 3 tầng, chị mở cửa hàng, kho và chỗ sinh hoạt riêng.
“Chuyển vào hẻm, mình có thêm tiền đầu tư quảng cáo Facebook, sàn thương mại điện tử. Doanh thu tăng hơn 70%”, chị cho biết.
Cũng nằm trong dòng chảy thay đổi này, chị Nguyễn Thị Thu Ngân (29 tuổi) hiện đang kinh doanh quần áo tại địa chỉ 285/70 Cách Mạng Tháng 8, P12, Q10, TPHCM.
Thuê mặt bằng trong hẻm, nhiều người cho rằng sẽ khó có khách, nhưng chị Ngân đã chứng minh điều ngược lại.
“Mình tập trung bán online, livestream đều đặn trên Facebook, TikTok, mỗi tháng doanh thu khoảng 200 triệu đồng”, Ngân chia sẻ.
Ngoài việc liên tục cập nhật mẫu mã mới để giữ chân khách hàng, chị còn đầu tư chạy quảng cáo Facebook Ads và TikTok Ads, đồng thời xây dựng các chương trình khuyến mãi, tri ân khách thân thiết. Theo chị, khi đã có tệp khách hàng trung thành, địa điểm kinh doanh không còn là rào cản lớn.
Kinh doanh trong hẻm sẽ thành cơ hội nếu biết tận dụng
Việc chuyển từ mặt tiền ra hẻm giúp chủ kinh doanh tiết kiệm được từ 50% đến 70% chi phí thuê. Khoản tiền này có thể tái đầu tư vào quảng cáo online, nâng cấp sản phẩm hoặc cải thiện dịch vụ khách hàng.
Những căn nhà trong hẻm thường rộng hơn và có nhiều tầng, tạo điều kiện thuận lợi để bố trí khu trưng bày, kho chứa và nơi sinh hoạt cho chủ shop. Đây là lợi thế mà mặt bằng mặt tiền nhỏ hẹp, đắt đỏ khó có được.
Song song đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử đã làm mờ ranh giới giữa vị trí địa lý và khả năng bán hàng. Với chiến lược livestream, chạy quảng cáo đúng cách, người bán hoàn toàn có thể đạt doanh thu cao dù cửa hàng nằm sâu trong hẻm.
Tuy nhiên, kinh doanh trong hẻm cũng đòi hỏi chủ shop phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thương hiệu, chăm sóc khách hàng online và duy trì chất lượng sản phẩm. Nếu thiếu chiến lược marketing phù hợp, rất dễ rơi vào cảnh “ế ẩm” vì lượng khách tự nhiên đi ngang sẽ rất thấp
Kết luận
Trong bối cảnh giá thuê mặt bằng phố ngày càng cao và thói quen mua sắm online phổ biến, kinh doanh trong hẻm kết hợp bán hàng online đang trở thành hướng đi khả thi và bền vững cho nhiều người trẻ khởi nghiệp.
***Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Muanha.xyz thực hiện tài liệu này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước.
Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của tài liệu nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.
Chúng tôi xử lý thông tin dựa trên nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không kiểm chứng nguồn tin và không đảm bảo tính chính xác.
Muanha.xyz sở hữu độc quyền tài liệu và nội dung bên trong. Tài liệu không được phép sao chép toàn bộ hoặc một phần mà không có sự đồng ý của Muanha.xyz.
>> Xem thêm: