Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, thuộc khu vực Đông Bắc Bộ. Đây là địa bàn có vai trò quan trọng cả về kinh tế, chính trị và quốc phòng đối với nước ta. Để có thêm thông tin về kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý, mời bạn theo dõi bản đồ quy hoạch Cao Bằng trong bài viết này.
Tổng quan về tỉnh Cao Bằng
Là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc, đến nay, Cao Bằng vẫn giữ được những nét đẹp hoang sơ vốn có với nhiều danh thắng đẹp và nổi tiếng. Ngoài thắng cảnh và di tích văn hóa nổi tiếng, địa phương này còn sở hữu nền ẩm thực cực phong phú, độc đáo, thích hợp để phát triển du lịch.
Vị trí địa lý
Nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, tỉnh Cao Bằng có vị trí giáp ranh với các tỉnh thành, khu vực sau:
- Phía Đông và Bắc: Tiếp giáp khu tự trị của dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) qua đường biên giới dài 333,125 km
- Phía Tây: Tiếp giáp với tỉnh Hà Giang.
- Phía Nam: Tiếp giáp ba tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn và Tuyên Quang.
Tỉnh Cao Bằng có trung tâm hành chính là Thành phố Cao Bằng, cách Hà Nội khoảng 279km. Ngoài ra, các điểm cực của tỉnh nằm ở thôn Lũng Mẩn (cực Bắc), xã Lý Quốc (cực Đông), xã Quảng Lâm (cực Tây) và thôn Na Phai (cực Nam).
Diện tích, dân số và mật độ dân cư
Tỉnh Cao Bằng có diện tích đất tự nhiên là 6.700,39 km², chiếm khoảng 2,02% tổng diện tích cả nước. Theo Cục thống kê tỉnh Cao Bằng, dân số trung bình ước tính năm 2022 của tỉnh là 543.052 người, tương đương khoảng 81 người/km².
Trong đó, dân số nông thôn là 404.587 người (74,5%); dân số thành thị gồm 138.465 người (25,5%). Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cũng là nơi tập trung đa dạng dân tộc như người Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Sán Chay,…
Điều kiện tự nhiên và khí hậu
Cao Bằng là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất với độ cao trung bình hơn 200m. Đặc biệt, khu vực sát biên giới sẽ có độ cao lớn hơn, từ 600 – 1.300, so với mực nước biển. Địa hình đồi núi chiếm tới hơn 90% diện tích tỉnh Cao Bằng với ba vùng rõ rệt là núi đá, núi đất xen núi đá và núi đất với nhiều rừng rậm. Bên cạnh núi non trùng điệp, Cao Bằng còn sở hữu nhiều sông ngòi như sông Gâm, Bằng Giang, Quây Sơn, Nho Quế, Hiến, Bắc Vọng,…
Về khí hậu, Cao Bằng đặc trưng bởi khí hậu cận nhiệt đới nên có điều kiện thời tiết ôn hòa, dễ chịu với 4 mùa trong năm. Ngoài ra, do địa hình đón gió nên đây sẽ là địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh từ phía Bắc. Tuy nhiên, nhiệt độ của Cao Bằng hiếm khi xuống thấp quá 0 độ C và hầu như không có (trừ một số vùng núi cao). Trong khi đó, nhiệt độ trung bình cao vào mùa hè là 30 – 32 độ C và hiếm khi lên đến mức 39 – 40 độ C.
Giao thông và du lịch
Tuyến giao thông chính của Cao Bằng vẫn là đường bộ. Trong đó, địa bàn này là nơi đi qua của nhiều tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 3, 4A, 4C, 34,… Ngoài ra, đường thủy tại đây cũng tương đối phát triển nhờ có dòng sông Bằng Giang chảy qua.
Về du lịch, Cao Bằng là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển ngành “công nghiệp không khói” này. Cụ thể, tỉnh tập trung nhiều cảnh quan và di tích văn hóa nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ núi Thang Hen, khu di tích lịch sử cách mạng Pác Bó, khu di tích Kim Đồng, đền Xuân Lĩnh,… Cùng với đó, nơi đây cũng có văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo với các món ăn địa phương hấp dẫn bao gồm bánh trứng kiến, bí hương Thạch An, bánh khẩu si Nà Giàng, phở chua Cao Bằng, lợn Hạ Lang, vịt cỏ Trùng Khánh, vịt quay Cao Bằng, thịt chua,…
Thác Bản Giốc với vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình (Ảnh: Vietjet Air)
Tình hình các bất động sản, thông tin các BĐS thổ cư, dự án bất động sản trọng điểm tại tỉnh Cao Bằng
Đọc tiếp
Nhìn chung, thị trường bất động sản tỉnh Cao Bằng tương đối ảm đạm so với các tỉnh thành ở khu vực đồng bằng, đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Song, địa bàn này cũng sở hữu các loại hình bất động sản đa dạng, bao gồm nhà đất thổ cư, căn hộ chung cư, biệt thự và bất động sản nghỉ dưỡng.
Về nhà đất thổ cư
Theo thống kê của Batdongsan, trong tháng 7/2024, khu vực có nhiều đất mua bán nhất Cao Bằng là Thị xã Cao Bằng, cụ thể là sông Hiến với 19 căn. Cũng trong giai đoạn này, giá đất tại Thị xã Cao Bằng đang dao động ở mức 6 – 9 triệu đồng/m².
Về bất động sản dự án
Tỉnh Cao Bằng có rất ít dự án bất động sản, nhưng lại đa dạng về loại hình, đáp ứng được cả nhu cầu về nhà ở, đầu tư và nghỉ dưỡng. Trong đó, một số dự án nổi bật trên địa bàn tỉnh là khu đô thị Bắc sông Hến, Hà Nội Phoenix Tower, TNR Stars Center Cao Bằng, khu dân cư HP Stars Cao Bằng, Đồng Sao Lake Resort,…
Phối cảnh khu biệt thự thuộc dự án TNR Stars Center Cao Bằng (Ảnh: Hoàng Hải Land)
Cập nhật bản đồ quy hoạch tỉnh Cao Bằng tính đến năm 2030
Bản đồ quy hoạch Cao Bằng đến năm 2030 (Ảnh: Danh Khởi Real)
Trên đây là bản đồ quy hoạch Cao Bằng đến năm 2030 về phân vùng và phát triển hệ thống đô thị, được thể hiện theo tỷ lệ 1/100000 (hay 1cm = 1km). Theo đó, về phân vùng, toàn tỉnh sẽ được chia thành 3 khu vực, bao gồm:
Vùng I – Tiểu vùng trung tâm
Vùng này có tổng diện tích là 249.791,07 ha, bao gồm thành phố Cao bằng, huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Hòa An. Đây là khu vực được định hướng phát triển thành vùng kinh tế tổng hợp, chất lượng cao với các trung tâm du lịch, khu cụm công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ kinh tế cửa khẩu,…
Vùng II – Tiểu vùng phía Đông
Đây là khu vực có quy mô 202.004,23 ha, bao gồm huyện Trùng Khánh, Thạch An, Phục Hòa, Quảng Uyên, Trà Lĩnh và Hạ Lang. Tỉnh Cao Bằng định hướng phát triển vùng II thành khu vực kinh tế cửa khẩu, gắn liền với không gian đô thị, danh lam thắng cảnh, khu sinh thái nông nghiệp, bản làng văn hóa,…
Tiểu vùng III – Tiểu vùng phía Tây
Vùng này bao gồm các huyện Bảo Lạc, Thông Nông và Bảo Lâm với tổng diện tích 218.990,26 ha. Theo bản đồ quy hoạch Cao Bằng, thị trấn Bảo Lạc sẽ được mở rộng làm đô thị để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng với khu vực tiếp giáp Trung Quốc. Đồng thời, bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác tài nguyên hợp lý, tỉnh cũng tập trung xây dựng các điểm du lịch, nâng cấp cơ sở giáo dục, y tế,…
Nhận xét tổng quan và kết luận
Cao Bằng là tỉnh miền núi ở phía Đông Bắc nước ta, có vị trí tiếp giáp với Quảng Tây (Trung Quốc) và có địa hình chủ yếu là rừng núi. Hiện nay, thị trường bất động sản Cao Bằng tương đối ảm đạm. Tuy nhiên, các loại hình bất động sản tại đây rất đa dạng, bao gồm cả nhà đất thổ cư, căn hộ chung cư, biệt thự và resort.
Nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ, Cao Bằng cũng đưa ra phương hướng phát triển tập trung đầu tư vào ngành công nghiệp không khói này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên hợp lý, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế cửa khẩu. Theo bản đồ quy hoạch Cao Bằng đến năm 2030, toàn tỉnh được chia thành 3 khu vực với định hướng riêng nhưng vẫn tập trung vào các mảng cốt lõi là kinh tế cửa khẩu – du lịch xanh – nâng cấp cơ sở vật chất.
Trên đây là những thông tin khái quát nhất về tỉnh Cao Bằng và bản đồ quy hoạch Cao Bằng đến năm 2030. Ngoài ra, bạn đừng quên theo dõi OneHousing để tiếp tục cập nhật các nội dung chi tiết về phương hướng phát triển, kế hoạch sử dụng đất của từng vùng trên địa bàn nhé!
Xem thêm
Tổng quan quy hoạch vùng đô thị phía Bắc Hà Nội mới nhất
Tổng quan bản đồ quy hoạch Đắk Nông mới nhất
Nguồn: One Housing