Theo dữ liệu từ thị trường, giá bất động sản gần tuyến metro Cầu Giấy – Nhổn đã tăng từ 40-60% chỉ trong vòng 1 năm. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống metro và hạ tầng giao thông công cộng tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, đây sẽ là cơ hội để giá trị các căn hộ dọc tuyến metro tiếp tục gia tăng đáng kể.
Tiềm năng sinh lời cao khi đầu tư căn hộ dọc tuyến Metro
Một trong những lý do chính khiến giá trị bất động sản gần các trạm metro tăng cao là sự thuận tiện mà hệ thống giao thông công cộng này mang lại. Các tuyến metro giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các khu vực trong thành phố, từ đó làm tăng sức hút của các khu vực này.
Bên cạnh đó, sự phát triển của metro thường kéo theo việc cải thiện hạ tầng đô thị xung quanh. Những cải tiến này có thể bao gồm việc nâng cấp đường sá, xây dựng các tiện ích công cộng như công viên, trung tâm mua sắm và các cơ sở hạ tầng khác. Khi môi trường sống được nâng cao, giá trị bất động sản trong khu vực cũng tăng theo.
Theo dữ liệu từ thị trường, bất động sản nằm gần các nhà ga metro thường có giá bán và cho thuê cao hơn so với các khu vực khác. Ví dụ, tại Singapore, khi tuyến metro Circle Line đi vào hoạt động vào năm 2012, giá căn hộ trong bán kính 400m từ các ga metro đã cao hơn khoảng 15% so với các khu vực xa hơn. Tại Kuala Lumpur, giá căn hộ trong phạm vi 800m so với các ga tàu trong giai đoạn 2017-2018 cao hơn 30% so với giá trung bình của thành phố. Ở Bangkok, bất động sản gần các tuyến metro có mức tăng giá từ 7% đến 21%, tùy thuộc vào khoảng cách tới nhà ga.
Căn hộ dọc tuyến Metro ở Hà Nội lãi 40%, ở Tp.HCM lãi 70%
Tại Hà Nội, giá trung bình các căn hộ tại quận Cầu Giấy, trong phạm vi 500m quanh các nhà ga tuyến metro Cầu Giấy – Nhổn, đã tăng hơn 40% trong khoảng thời gian từ quý 3/2023 đến quý 3/2024. Theo dữ liệu về sự biến động giá tại các khu vực nằm xa tuyến metro, giá căn hộ trên thị trường cũng tăng trung bình từ 25% – 35% do nguồn cung khan hiếm, tùy thuộc vào vị trí cụ thể. Điều này cho thấy lợi thế về vị trí gần nhà ga metro đã tác động mạnh mẽ, làm giá bất động sản xung quanh tăng cao hơn từ 5% – 15% so với mức tăng giá chung.
Tại TP.HCM, giá căn hộ dọc theo tuyến metro cũng đã liên tục gia tăng kể từ khi mở bán, với mức tăng trung bình từ 35% – 70% tùy theo vị trí. Đặc biệt, có những dự án đã tăng giá gấp đôi trong giai đoạn 2015-2023. Chẳng hạn, dự án Masteri Thảo Điền, tọa lạc gần tuyến metro kết nối trung tâm TP.HCM với TP Thủ Đức, đã ghi nhận mức giá từ 35-39 triệu đồng/m² vào năm 2015. Đến quý II/2024, giá trên thị trường thứ cấp của dự án này dao động từ 69-75 triệu đồng/m².
Các tuyến Metro hiện có tại hai thành phố lớn
Hiện nay, hệ thống metro tại Hà Nội và TP.HCM đang trong giai đoạn triển khai với một số tuyến chính đã và đang được thi công. Tại Hà Nội, hai tuyến metro đã đi vào hoạt động, bao gồm tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) với tổng chiều dài 13,1 km, có 12 nhà ga: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành Đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, và Yên Nghĩa. Tuyến này đã chính thức được đưa vào khai thác.
Tuyến số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó 8,5 km là đường trên cao và 4 km đi ngầm. Tuyến này có 12 nhà ga, bao gồm 8 ga trên cao (Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chùa Hà, Cầu Giấy) và 4 ga ngầm (Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, Ga Hà Nội). Phần đoạn trên cao của tuyến số 3 đã được đưa vào vận hành từ ngày 8/8/2024.
Tại TP.HCM, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2024. Tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã giải phóng gần 97% mặt bằng, với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào cuối quý II/2025, và mục tiêu hoàn tất vào năm 2030. Thành phố cũng đang có kế hoạch phát triển thêm các tuyến metro khác trong giai đoạn tiếp theo.
Việc dùng tàu Metro Hà Nội chưa được phổ biến
Tỷ lệ hành khách sử dụng metro tại Hà Nội hiện đang ở mức rất thấp so với các thành phố lớn khác trong khu vực. Chỉ khoảng 1% dân số Hà Nội sử dụng metro, trong khi tại Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur, con số này lần lượt là 50%, 15% và 10%.
Nguyên nhân chính được cho là do hệ thống metro ở Hà Nội còn quá hạn chế với tổng chiều dài chỉ 22 km, chỉ bằng 1/10 so với các thành phố lớn khác. Điều này khiến việc di chuyển và kết nối giao thông chưa thực sự thuận tiện. Thói quen sử dụng phương tiện cá nhân nhất là xe máy, cũng góp phần làm giảm tỷ lệ người dân sử dụng metro.
Một yếu tố khác là các chính sách điều phối phương tiện giao thông cá nhân trước đây chưa đủ mạnh mẽ. Mặc dù các chủ trương hạn chế xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm đã được đề xuất từ hơn 20 năm trước, nhưng các biện pháp thực tế vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Dù vậy, hệ thống metro vẫn có triển vọng phát triển tích cực trong tương lai.
(Nguồn Tienphong)
>> Xem thêm bài viết Hướng giải quyết cho hơn 8.800 hồ sơ thuế đất đai đang tồn đọng
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Muanha.xyz thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.